Năm 1889, Camille Paris – một chủ sự bưu điện của Pháp tại Việt Nam đã khám phá ra một bí mật ẩn sâu trong các khu rừng của Quảng Nam: những ngôi đền bị lãng quên mà từng là trung tâm tôn giáo của vương quốc Champa. Phát hiện đáng chú ý này đã thúc đẩy trung tâm nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác cổ (tiếng Pháp: École française d’Extrême-Orient, viết tắt: EFEO) cử một nhóm các nhà khoa học đến điều tra tàn tích. Dẫn đầu đoàn là Henri Parmentier – một nhà khảo cổ học và sử gia nghệ thuật nổi tiếng.
Các nhà khoa học tìm thấy 71 ngôi đền trong rừng và chia chúng thành 14 nhóm đền. Những bức ảnh, bản vẽ và nhật ký khai quật khảo cổ được công bố bởi đoàn thám hiểm người Pháp cho thấy sự tráng lệ từng có của Mỹ Sơn, cũng như mô tả lại hình dáng các ngôi đền cổ của người Chăm trước khi chúng bị phá hủy bởi các cuộc chiến sau đó.
Câu chuyện về khu đền tháp Mỹ Sơn là một trong những sự kiện khảo cổ ấn tượng nhất của châu Á. Đối với du khách ngày nay, việc tìm hiểu sự kiện trên gần như là một điều nhất định phải làm khi đến thăm Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này.
Sống ở Việt Nam 20 năm, Camille Paris là một nhà khảo cổ, bản đồ và dân tộc học. Ông viết và chụp ảnh khắp nơi trên Việt Nam. Paris tìm thấy các đền tháp của Mỹ Sơn khi đang xây dựng đường điện báo kết nối miền Trung và miền Nam Việt Nam. Khi EFEO cử một đội khảo sát tới khu đền tháp vào năm 1899, họ gọi nơi đây là ‘Mỹ Sơn’ (ngọn núi xinh đẹp) theo tên một ngôi làng gần đó. Công cuộc khai quật, nghiên cứu và tái hiện các đền tháp Mỹ Sơn phải mất tới vài năm và qua nhiều chiến dịch khảo cổ.
Một trong những hành trình được ghi lại cụ thể nhất là vào giữa năm 1903 và 1904, khi Parmentier được hỗ trợ bởi nhà khảo cổ học người Pháp Charles Chapeaux. Cả hai khởi hành vào tháng Ba năm 1903. Cuộc khai quật gặp phải vô số bất lợi bao gồm cái nóng oi bức, thú hoang và cỏ dại mọc lại nhanh như khi chúng bị nhổ đi.
Những người đàn ông dựng trại ở chân núi và xây một hàng rào dài bốn mét để bảo vệ họ khỏi lợn rừng và hổ — những loài thú đã lấy mạng vài thành viên trong đoàn. Công cuộc khai quật tiến triển đều đặn qua từng năm, bắt đầu với những ngôi đền được khám phá và mở rộng sang nhiều tàn tích khác trong khu vực.
Trong nhật ký của mình, Chapeaux đã ghi lại những điểm nổi bật của cuộc hành trình. Vào tháng Ba, những tòa tháp A1 tráng lệ được phát hiện. Một bức tượng Ganesha vẫn trong tình trạng tốt được tìm thấy vào tháng Bảy. Vào tháng Tám, một chiếc bình đất nung chứa đầy đồ trang sức quý giá dưới chân tháp C7 được khai quật. Hai chiếc linga bằng vàng được tìm thấy bên cạnh một bồn nước bằng bạc. Tháp E và F lâu đời nhất trên địa bàn được phát hiện vào tháng Chín, hé lộ nét độc đáo trong phong cách kiến trúc của những ngôi đền Hindu Ấn Độ đời đầu.
Mùa bão bắt đầu từ tháng Mười mang tới sự ảm đạm tăng dần cho khu trại ở Duy Xuyên. Kiến trúc sư Henri Dufour ngay khi vừa tới đây vào tháng Một đã bị bọ cạp đốt và phải quay về Đà Nẵng tức thì. Ngày 7 tháng Hai năm 1904, khu khảo cổ chính thức đóng cửa.
Sau đó vào năm 1904, Henri Parmentier công bố bản ghi chép mô tả Mỹ Sơn trên tạp chí EFEO, bao gồm nhiều bản vẽ chi tiết của các ngôi đền và một bộ ảnh tuyệt đẹp của khu di tích trong quá trình khai quật. Các bản khắc được tìm thấy trên 32 bia đá ở Mỹ Sơn, viết bằng tiếng Phạn và tiếng Chăm cổ từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 12, cũng được công bố. Một số tượng và linga-yoni quý giá nhất đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Công trình nghiên cứu do các nhà khảo cổ người Pháp thực hiện đã mở đường cho những đợt trùng tu đầu tiên của Mỹ Sơn, bắt đầu từ năm 1937. Sau đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khu vực xung quanh Mỹ Sơn được các lực lượng cách mạng sử dụng làm căn cứ du kích. Chỉ trong một tuần của tháng Tám năm 1965, Mỹ Sơn bị đánh bom nặng nề bởi các cuộc không kích. Nhiều đền đài và bức tượng của Mỹ Sơn đã tồn tại hàng thế kỷ giờ chỉ còn trơ lại phần móng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1979, chính phủ Việt Nam công nhận Mỹ Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt và bắt đầu lại công cuộc trùng tu và bảo tồn khu đền tháp trong rừng này. Nhờ những tấm ảnh và bức vẽ được thực hiện bởi Henry Parmentier và các nhà khoa học Pháp, các nhóm chuyên gia trùng tu từ Ba Lan, Nhật Bản, Đức, Ý và Ấn Độ đã có thể tái tạo các phần của các ngôi đền giống như hình dáng của chúng trong thời kỳ vương triều Champa. Năm 1999, UNESCO đã chọn khu đền tháp Mỹ Sơn vào danh sách các Di sản Thế giới.
Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam