Nên sử dụng vé tham quan phố cổ Hội An vào các di tích nào?
Bạn đã mua vé tham quan phố cổ Hội An, cầm trong tay một danh sách các di tích để thăm thú. Giờ thì nên bắt đầu từ đâu? Mỗi vé tham quan phố cổ sẽ cho bạn vào cổng 5 di tích trong tổng số 22 di tích có thu vé tại đây. Từ hội quán, nhà cổ, nhà thờ tộc, đến đền chùa và bảo tàng, du khách mới đến Hội An lần đầu có thể cảm thấy choáng ngợp với danh sách dài này. Để giúp bạn bắt đầu hành trình, dưới đây là những địa điểm yêu thích của chúng tôi để sử dụng vé tham quan phố cổ.
Chùa Cầu
Di tích nổi tiếng thế giới Chùa Cầu vừa là một ngôi chùa gỗ tuyệt đẹp, vừa kết nối hai khu vực từng là nơi sinh sống của người Hoa và người Nhật trong phố cổ. Toàn bộ cây cầu được lợp mái ngói âm dương. Vào những năm 1700, nhà vua Nguyễn Phúc Chu đã đổi tên cây cầu này thành Lai Viễn Kiều (cầu đón khách từ phương xa).
Hội quán Phước Kiến
Hội quán lớn nhất trong phố cổ được xây dựng từ thế kỷ 17 và luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách. Nếu như cánh cổng rực rỡ bên ngoài được tô điểm bởi những hoa văn chạm khắc tỉ mỉ, thì cánh cổng tam quan bên trong lại càng ấn tượng hơn với những viên gạch đỏ và phù điêu tinh xảo trên mái.
Hội quán Trung Hoa
Hội quán Trung Hoa, hay còn gọi là hội quán Ngũ Bang, là một trong những tòa nhà sơn màu xanh hiếm hoi ở phố cổ. Các gia đình người Hoa ở Hội An từng tụ họp tại đây vào những dịp lễ tết đặc biệt hoặc để học tiếng Hoa. Trong chánh điện đặt một chiếc thuyền gỗ để tưởng nhớ những lái thương Trung Quốc đầu tiên tới Hội An.
Hội quán Hải Nam
Câu chuyện của 108 thương lái người Hải Nam bị hàm oan được kể lại trên những bức tường cổ kính của hội quán. Hãy bước vào hội quán xinh đẹp này để ngắm những bức phù điêu đầy màu sắc, một chiếc lư đồng trăm năm tuổi, và khám phá khoảng sân bí mật đằng sau cánh cửa gỗ màu xanh tại đây.
Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An
Để tìm hiểu về đời sống địa phương và các nghề truyền thống của Hội An, bạn hãy bắt đầu với bảo tàng văn hóa dân gian. Cùng tìm hiểu thêm về lịch sử nghề đánh bắt cá, làm gốm sứ, hay làm đèn lồng và ngắm các mẫu thuyền cá, khung cửi. Lầu trên của bảo tàng là nơi trưng bày về các dịp lễ hội và các bộ trang phục truyền thống.
Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh kể lại câu chuyện của nền văn minh đầu tiên ở Hội An. Tại đây, bạn sẽ thấy các món trang sức và đồ gốm sứ từng được người Sa Huỳnh giao thương với các nước khác trong khu vực, bên cạnh những chiếc mộ chum độc đáo. Căn nhà này cũng là một ví dụ điển hình của kiến trúc thuộc địa trong phố cổ.
Nhà cổ Tấn Ký
Bảy thế hệ dòng họ Lê đã sinh sống trong nhà cổ Tấn Ký, bao gồm cả thế hệ con cháu hiện tại. Được một lái thương người Hoa giàu có xây dựng vào thế kỷ 18, ngôi nhà kết hợp các nét kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản, và Trung Quốc. Cùng khám phá những món đồ nội thất và đồ cổ thú vị tại đây, như chiếc chén Khổng Tử 600 năm tuổi.
Đình Cẩm Phô
Đình Cẩm Phô là đình làng cổ nhất ở Hội An. Những mái vòm sơn vàng chia chính điện thành các gian tách biệt với bàn thờ Thành Hoàng, bà Đại Càn, các vị thần sông nước và thần bảo hộ cho dân làng. Phù điêu rồng trên mái đình vẫn còn khá nguyên vẹn và là một ví dụ tuyệt đẹp của tay nghề thủ công địa phương.
Nhà thờ tộc Trần
Nhà thờ tộc được dùng để thờ cúng tổ tiên và cất giữ những món gia bảo quý giá. Theo lẽ tự nhiên, nhà thờ tộc được xây dựng rất chu đáo, nhất là khi gia chủ là một vị quan được kính trọng như Trần Tứ Nhạc. Bạn có thể tìm thấy những món quà do nhà vua gửi tặng gia đình và những món đồ cổ vô giá khác tại đây.
Cách mua vé vào phố cổ Hội An
Bạn có thể mua vé tại một vài điểm bán ván rải rác quanh phố cổ Hội An, cũng như lối vào phố cổ từ hai bên bờ sông Thu Bồn. Mỗi vé có giá 120,000 đồng và sẽ cho bạn vào tham quan 5 trong số 22 di tích. Nếu muốn thăm thú nhiều địa điểm hơn, bạn chỉ cần mua thêm vé. Vé có giá trị sử dụng trong ngày.
Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam