Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) là một trong những di tích đền tháp ấn tượng nhất ở Đông Nam Á. Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1999, Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc tôn giáo và là nơi chôn cất các vị vua Chăm – những người trị vì một đế chế thịnh vượng ở miền Trung Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 14. Dưới đây là một vài điểm hấp dẫn để khám phá trong chuyến thăm đầu tiên của bạn.
Bia ký cổ
Những di vật đầu tiên mà chúng ta có được về Mỹ Sơn xuất hiện vào thế kỷ thứ 4, khi vua Bhadravarman I cho xây một đền thờ bằng gỗ để thờ thần Shiva của đạo Hindu. Một bia ký tìm thấy ở Mỹ Sơn ghi lại rằng nhà vua đã hiến dâng toàn bộ thung lũng cho thần Shiva, và khẩn cầu những người kế vị duy trì nền móng mà ông đã gây dựng.
Trong hơn 10 thế kỷ sau đó, các vua Chăm tiếp tục xây dựng và mở rộng quần thể đền tháp Mỹ Sơn, đầu tiên với đá và sau đó là gạch đỏ. Mỗi ngôi đền đều có một tấm bia ghi bằng tiếng Phạn hoặc tiếng Chăm cổ, kể về câu chuyện của vị vua sáng lập và tổ tiên của ông. Khoảng 32 tấm bia đã được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ người Pháp khi Mỹ Sơn lần đầu tiên được khai quật. Một số tấm bia vẫn được giữ nguyên trạng tại khu di tích Mỹ Sơn; số khác được đặt tại Nhà trưng bày Mỹ Sơn.
Kalan (tháp chính) và kosagrha (nhà giữ lửa)
Mặc dù nhiều ngôi đền ở Mỹ Sơn đã biến mất theo thời gian, một số ngôi đền vẫn còn đứng vững tới ngày nay. Các nhóm đền ở Mỹ Sơn tuân theo các nguyên tắc kiến trúc và hình học đặc trưng của đạo Hindu. Mỗi cụm đền quay mặt về phía Đông và được xây xung quanh một kalan (tháp chính), bên trong là garbhagriha (phòng tử cung), nơi chỉ có người Bà-la-môn hoặc giáo sĩ đạo Hindu được phép vào. Bên trong garbhagriha thường có linga-yoni tượng trưng cho thần Shiva và Shakti hay khả năng sinh sản của nam và nữ.
Gần kalan là kosagrha (“nhà giữ lửa”), nơi người Bà-la-môn nấu cỗ cúng chư thần và là nơi cất giữ dụng cụ cho các nghi lễ tôn giáo. Các kalan được kết nối với thế giới bên ngoài thông qua một cánh cổng gọi là gopura. Bên ngoài cổng là một mandapa – sảnh dành cho việc thờ cúng và nghi lễ công khai. Tháp B5 ở Mỹ Sơn là một kosagrha với bức tượng nữ thần Lakshmi được chạm khắc tinh xảo; kalan của nhóm đền C vẫn đứng vững tại cụm tháp C1.
Các vị thần và dấu ấn của đạo Hindu
Mỹ Sơn được xây dựng trong một thung lũng màu mỡ gần đầu nguồn sông Thu Bồn và ngọn núi thiêng mà người Chăm gọi là Mahaparvata. Các ngôi đền được xây bằng gạch đỏ với nhiều tầng riêng biệt, và được trang trí với những bức tượng và phù điêu bằng đá sa thạch – khắc hoạ chân dung các vị thần và nữ thần đạo Hindu, vũ nữ apsara, động vật thần thoại và chính các vị vua Chăm. Trong chuyến tham quan Mỹ Sơn, bạn có thể tìm thấy các dấu ấn của đạo Hindu tại di tích hoặc trong nhà trưng bày.
Các hoạ tiết trang trí phổ biến bao gồm: ngọn lửa, tượng trưng cho sự hủy diệt và sáng tạo; hoa sen, loài hoa thiêng liêng của các vị thần; cây cối, vật trung gian giữa trời và đất; và lá, đại diện cho sự giác ngộ qua các giai đoạn của cuộc đời. Ngoài ra còn có nhiều hình chạm khắc của nagas – Á thần mặt người thân rắn, kala – Thần thời gian, và makara – loài thuỷ quái có hình dạng cá sấu đại diện cho sự sống và cái chết.
Tàn tích thời chiến
Khi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier và đoàn nghiên cứu của ông khai quật nhóm đền E và F vào đầu những năm 1900, những ngôi đền này được đánh giá là hoành tráng và đẹp nhất Mỹ Sơn. Có niên đại từ thế kỷ thứ 7, nhóm đền mang phong cách Ấn Độ cổ đại và được tái hiện qua các tấm ảnh chụp bởi Charles Chapeau và các bức ký hoạ của Parmentier.
Trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, quân Mỹ rải bom khu vực xung quanh Mỹ Sơn – nơi ẩn náu của dân quân, du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Chỉ trong một tuần của tháng Tám, các nhóm đền E và F đã bị đánh sập. Ngày nay, du khách có thể thấy các hố bom lớn gần những tàn tích này. Chỉ có kosagrha thuộc Nhóm E (Mỹ Sơn E7) vẫn còn tồn tại sau khi được một nhóm các nhà bảo tồn người Ý trùng tu.
Hình ảnh và và hiện vật lịch sử
Phòng trưng bày Mỹ Sơn là điểm xuất phát tuyệt vời cho hành trình khám phá văn hóa Chăm và khu đền tháp Mỹ Sơn. Những bộ sưu tập khảo cổ quý hiếm giới thiệu cho người xem về một đế chế Chăm xưa với các tuyến đường giao thương, văn hóa và sự phát triển của các ngôi đền. Tại đây du khách có thể tìm hiểu về các vị thần Hindu qua các văn kiện cổ được tìm thấy ở khu di tích, qua các bộ phận cấu thành nên các đền thờ, và qua những dòng chữ được khắc lên bia ký. Các tranh ảnh và hiện vật trưng bày cũng mô tả chi tiết hành trình khám phá, khai quật và trùng tu khu đền thá Mỹ Sơn.
Đặc biệt hơn nữa, tại đây bạn sẽ có cơ hội xem các ảnh chụp những cuộc khai quật khảo cổ do các chuyên gia Pháp thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Các bản vẽ chi tiết của Henri Parmentier cho biết hình dáng ban đầu của những ngôi đền khi được tìm thấy, bao gồm cả những ngôi đền tuyệt đẹp đã bị phá hủy trong Chiến tranh chống Mỹ. Để tìm hiểu thêm về nền văn minh Chăm ở Việt Nam, bạn có thể ghé thăm Bảo tàng Duy Xuyên (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng).
Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam