Nhiều thế kỷ trước, các thương lái ngoại quốc đến Hội An trao đổi hàng hóa và mua những sản phẩm chất lượng nhất của Việt Nam để bán lại ở nước ngoài. Thợ thủ công trên khắp Việt Nam đã đổ về Hội An và họp thành các làng nghề, cung cấp lụa tơ tằm, đồ gốm, và đồ gỗ nhằm đáp ứng nhu cầu này, tạo nên truyền thống sáng tạo bên bờ sông Thu Bồn. Ngày nay, các lớp học thủ công quanh Hội An đem đến cho du khách những câu chuyện hấp dẫn, hàng giờ thực hành thú vị, và những món quà đặc biệt để mang về nhà. Dưới đây là ba lớp học sáng tạo đáng trải nghiệm ở Hội An.

Đèn lồng lụa

Không có món đồ lưu niệm nào đậm chất Hội An hơn là một chiếc đèn lồng lụa xinh xắn. Được các lái buôn nước ngoài đem tới phố cổ từ hơn 700 năm trước, ngày nay, những chiếc đèn lồng thắp sáng Hội An lung linh mỗi tối đều do những nghệ nhân địa phương làm bằng tay. Đèn lồng được treo trước cửa nhà có ý nghĩa cúng dâng thần linh, mong cầu bình an, hạnh phúc.

Gia đình Tiếng Vọng Phố đã làm đèn lồng suốt ba thế hệ. Giờ đây, họ chia sẻ các kỹ năng và kiến thức của mình về nghề thủ công đặc sắc này với khách du lịch tại một lớp học ấm cúng trong con hẻm nhỏ gần phố cổ. Cùng bước vào cửa tiệm và ngắm nhìn đèn lồng đủ mọi kích thước, hình dáng, màu sắc, rồi ngồi xuống chiếc bàn tre và làm chiếc đèn lồng của chính bạn.

Người hướng dẫn sẽ giới thiệu về các loại đèn lồng của Hội An, và bạn sẽ bắt gặp đủ các mẫu đèn ví dụ treo xung quanh mình. Hãy bắt đầu bằng cách chọn màu và dáng đèn. Sau đó, bạn sẽ được hướng dẫn từng bước lắp khung tre và dán lớp lụa bên ngoài. Nhớ thử đèn sau khi hoàn thành và ngắm nhìn chiếc đèn lồng của bạn tỏa sáng.

MÁCH NHỎ: Lớp học làm đèn lồng là lựa chọn hoàn hảo cho du khách đi cùng trẻ nhỏ, vì các lớp này phù hợp với cả người lớn lẫn trẻ em từ năm tuổi trở lên.

Đèn lồng Tiếng Vọng Phố: 8 Trần Cao Vân, Hội An


Đồ mỹ nghệ tre

Suốt nhiều thế hệ qua, tre đã là một phần của đời sống Hội An thường ngày. Ở xã Cẩm Thanh cách phố cổ không xa, người địa phương dùng tre để xây những căn nhà, bàn ghế, và đồ nội thất vừa bền, vừa nhẹ. Dọc sông Thu Bồn, bạn sẽ bắt gặp vô số những bến thuyền, cầu, và lồng nuôi cá khung tre.

Phía sau căn nhà ven sông ở Cẩm Thanh, anh Tân của Taboo Bamboo vẫn đang nối nghiệp làm tre của làng mình. Khi còn nhỏ, anh Tân đã theo cha học cách làm đồ tre. Hiện nay anh tổ chức lớp học làm đồ mỹ nghệ bằng tre duy nhất ở Hội An, cho du khách cơ hội trực tiếp trải nghiệm chất liệu bền vững và linh hoạt này.

Trong ba giờ đồng hồ, bạn sẽ đóng vai người học việc của anh Tân và học cách làm một món đồ bằng tre của riêng mình, như đèn bàn, loa, lọ hoa, bình nước, hay đồ chơi. Lớp học bắt đầu với một bài giới thiệu ngắn về tre và cách xử lý truyền thống độc đáo của Hội An. Thỏa sức cắt, cưa, mài, rồi dùng bút lửa để trang trí và hoàn thiện món đồ của bạn.

Taboo Bamboo: Thanh Tam Đông, Cẩm Thanh, Hội An


Vẽ mặt nạ

Hàng năm, cứ đến Trung Thu, trẻ nhỏ khắp phố phường Việt Nam lại tranh nhau khoe những chiếc mặt nạ đầy màu sắc với đủ tạo hình nhân vật. Vẽ mặt nạ cũng là một phần không thể thiếu trong hát bội, một loại hình nghệ thuật tuyệt đẹp vẫn đang truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ ngày nay.

Sâu trong một con hẻm nhỏ ở phố cổ Hội An, bạn sẽ tìm thấy một cửa tiệm rực rỡ màu sắc với hàng trăm chiếc mặt nạ treo kín các bức tường. Đây là cửa tiệm của chú Phong, một nghệ nhân từng bắt đầu với nghề vẽ mặt nạ múa lân 40 năm trước, sau đó cũng bị nghệ thuật hát bội quyến rũ. Từ đó, chú đã sáng tạo ra kiểu mặt nạ riêng. Bạn có thể học vẽ chúng tại đây.

Nghệ nhân hướng dẫn sẽ mở đầu với câu chuyện và ý nghĩa của những chiếc mặt nạ, để bạn chọn mẫu phù hợp nhất với mình. Bạn có thể dành  đến ba giờ đồng hồ để dán giấy, vô niềng, tròng thạch cao và phơi khô mặt nạ, cuối cùng là vẽ phác và vô màu với năm sắc màu ứng với ngũ hành. Đừng ngại nhờ những người thợ học việc của chú Phong giúp đỡ nhé!

Mặt nạ Thời Gian: 58/7 Lê Lợi, Hội An


Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam