Kiến trúc phố cổ Hội An
Với những dãy tường vàng cổ kính, đây đó điểm thêm khung cửa xanh mòng két hay ô cửa sổ xanh ngọc, nhà rường ở phố cổ Hội An luôn nằm trong số những công trình kiến trúc ăn ảnh nhất Việt Nam. Dạo quanh những con phố bình yên này, bạn sẽ thấy nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, mà mỗi phong cách lại kể một câu chuyện riêng về quá khứ nơi đây. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về kiến trúc phố cổ Hội An và cách thưởng ngoạn chúng.
Hội An nguyên bản
Kiến trúc pha trộn mà bạn dễ dàng bắt gặp ở Hội An có lịch sử từ thế kỷ 18. Từ 1773 đến 1802, phần lớn những ngôi nhà gỗ ở Faifo, tên gọi cũ của phố cảng này, đã bị tàn phá trong chiến tranh Tây Sơn – Chúa Trịnh. Sau cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Hội An được xây dựng lại và trở thành khu phố cổ bạn thấy ngày nay.
Nhà trệt (1770 - 1850)
Dù là cửa hàng hay nhà riêng, hầu hết những căn nhà trệt mà bạn thấy trong phố cổ đều được xây từ cuối thế kỷ 18. Đây là những ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất ở Hội An, và thường lợp một hoặc hai tầng mái. Bạn có thể chiêm ngưỡng nhiều ngôi nhà kiểu này trên đường Trần Phú.
Xem gì ở đâu: Nhà cổ Đức An ở địa chỉ 129 Trần Phú là một ví dụ tiêu biểu của kiến trúc nhà trệt. Ngôi nhà này được xây vào khoảng năm 1830 và từng là một hiệu sách tiếng Hoa, nơi những học giả như Khang Hữu Vi (1858 – 1927) hay Lương Khải Siêu (1873 – 1929) thường lui tới.
Nhà lầu hai tầng (1850 - 1888)
Khi bến cảng Faifo ngày càng phát triển nhộn nhịp, chủ cửa hàng và các gia đình thương lái bắt đầu xây những căn nhà trệt một lầu để có thêm diện tích sinh hoạt và chứa hàng. Ban đầu, những căn nhà này có tầng lầu khá thấp, chỉ cao bằng nửa tầng trệt, kèm theo phần ban công hẹp có mái che.
Nhà lầu hai tầng
Theo thời gian, nhà rường với tầng trệt và tầng lầu có chiều cao tương đương nhau dần xuất hiện ở Hội An. Rất nhiều trong số những căn nhà này có ban công mái che rộng rãi, nơi các thương lái và gia đình có thể ngồi ngắm phố xá bên dưới.
Xem gì ở đâu: Bạn có thể thấy một ví dụ nhà lầu hai tầng tiêu biểu tại số 6 Nguyễn Thị Minh Khai, ngay gần Chùa Cầu. Hãy để ý thiết kế mái âm dương và khu vực ban công ấn tượng trên lầu.
Kiến trúc thuộc địa (1888 - 1954)
Khoảng thập niên 1880, nhà ở của tầng lớp thượng lưu Việt Nam thời Pháp thuộc mang nhiều yếu tố kiến trúc có ảnh hưởng của Paris và các thành phố khác tại Pháp, như cửa chớp, mái vòm, và cột nhà chạm trổ. Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh nằm gần bờ sông là một tòa nhà có phong cách kiến trúc thuộc địa và được bảo tồn khá tốt.
Dành cho những người yêu thích kiến trúc Đông Dương, pha trộn các thiết kế Pháp và Việt một cách hài hòa trong mỗi phòng nghỉ.
Kiến trúc thuộc địa
Những ngôi nhà có kiến trúc thuộc địa tại Hội An không phải do thực dân Pháp xây, mà do thương lái người Hoa, những người được người Pháp khuyến khích sinh sống và làm ăn ở Hội An, dựng nên. Các thương nhân giàu có xây nhà gạch bê tông với mặt tiền rộng, tuy nhiên nội thất thường được thay đổi để phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Kiến trúc giao thoa (1930 - )
Loại hình kiến trúc hiện đại nhất mà bạn sẽ thấy ở phố cổ mang nét pha trộn giữa nhà rường hai tầng và kiến trúc thuộc địa. Các công trình này có cả cửa ván xáng lẫn cửa chớp, bên cạnh những yếu tố mang âm hưởng Pháp khác như lan can ban công, và kiểu lợp ngói Hội An truyền thống. Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên ở số 80 Nguyễn Thái Học là một ví dụ điển hình của phong cách kiến trúc giao thoa Hội An. Công trình này đã là tổ ấm của năm thế hệ gia đình họ Diệp, và được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 cho thương nhân người Hoa Diệp Ngộ Xuân, một thầy lang chuyên bốc thuốc cổ truyền đến từ Quảng Đông.
Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam