Với Hội An, nghệ thuật không chỉ là thú vui. Niềm đam mê cái đẹp và sự sáng tạo là một phần không thể tách rời của thành phố này. Kiến trúc tuyệt đẹp dựng nên phố cổ Hội An, một bảo tàng sống với những căn nhà cổ và hội quán rực rỡ. Những làng nghề thủ công hàng trăm năm tuổi là nơi hoàn hảo để tìm hiểu thêm về nghề thủ công truyền thống và chọn mua sản phẩm trực tiếp từ các nghệ nhân địa phương. Các phòng tranh bí mật thêm chút gia vị phiêu lưu vào công cuộc tìm kiếm những tác phẩm đáng giá. Tất nhiên, với khung cảnh như được cắt ra từ tranh vẽ, chỉ cần có mặt ở Hội An cũng đã là một món quà cho người yêu cái đẹp rồi. Dưới đây là những cách hay nhất để trải nghiệm thành phố này nếu bạn yêu thích nghệ thuật.
Các công trình kiến trúc vô giá
Bắt đầu lịch trình khám phá nghệ thuật Hội An của bạn bằng cách dạo bộ phố cổ. Khi những lái thương người Nhật, người Hoa tới bắt đầu cuộc sống mới ở đây hàng trăm năm trước, họ đã cho xây những căn nhà gỗ, cửa hàng, và hội quán dọc sông Thu Bồn với màu sắc và họa tiết từ quê nhà. Rất nhiều trong số những công trình này vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, với các thiết kế ấn tượng và bảo vật gia truyền đáng quý bên trong.
Hãy xuất phát từ Chùa Cầu, di tích nổi tiếng nhất của phố cổ với các họa tiết khắc gỗ và phù điêu mái nhà tinh xảo. Từ đây, đi bộ dọc đường Trần Phú để khám phá năm hội quán người Hoa với cổng vào tráng lệ, những bức tranh khảm chi tiết, và di vật cổ quý giá. Nhà cổ Tấn Ký và nhà cổ Quân Thắng là những căn nhà riêng được trang trí lộng lẫy với những món đồ nội thất có niên đại hàng trăm năm.
Xem thêm: Kiến trúc phố cổ Hội An
Nghề thủ công truyền thống và hiện đại
Thuở xưa, các nghệ nhân làng nghề truyền thống ở Hội An đã từng được chiêu mộ để đóng thuyền, xây dựng cung điện, và may y phục cho hoàng tộc. Đây đều là những nghề thủ công hàng đầu Việt Nam. Cùng xem truyền thống làm mộc, làm gốm, dệt lụa, và đan chiếu đang được bảo tồn và phát triển ra sao ở các làng nghề quanh Hội An. Thợ mộc ở làng Kim Bồng và thợ gốm ở làng Thanh Hà tổ chức các lớp học cho du khách, trong khi nhiều gia đình ở làng Trà Nhiêu vẫn giữ thói quen đan chiếu ngay trong sân nhà.
Để xem những nghề thủ công này được áp dụng vào nghệ thuật hiện đại, hãy ghé qua Làng Củi Lũ, nơi củi trôi dạt mùa lũ được tái sinh thành các món đồ nội thất, khung gương, chặn giấy, hay tượng gỗ đầy màu sắc. Làng Củi Lũ còn tổ chức các hội chợ nghệ thuật cuối tuần cho cả người lớn và trẻ em với các họa sĩ, nhạc sĩ, thợ thủ công, và nghệ sĩ thử nghiệm địa phương. Nếu thích đồ gốm sứ tinh tế, bạn cũng có thể tới thăm trà quán Reaching Out Teahouse để sắm những bộ ấm trà, ly, và muỗng sứ xinh xắn.
Phòng tranh và quán bar
Các phòng tranh độc lập nhỏ ẩn mình giữa những con hẻm lắt léo ở Hội An, biến chuyến đi thăm phòng tranh thành một cuộc phiêu lưu thú vị. Các nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia, và họa sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến Hội An, phải lòng với thành phố này, và dựng nên một không gian của riêng mình để trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ chính nơi đây. Để tiếp cận nghệ thuật một cách thoải mái hơn, nhiều quán cà phê, nhà hàng, và quán bar phục vụ các món ăn ngon và đồ uống mát lạnh giữa các tác phẩm chọn lọc.
Bảo tàng Di sản Vô giá của nhiếp ảnh gia Réhahn trưng bày những bức ảnh chân dung nổi tiếng nhất của anh bên cạnh một bộ sưu tập đồ sộ về trang phục dân tộc thiểu số Việt Nam. Nép mình trong một con ngõ yên bình ở Cẩm Thanh, Kyara Art House tổ chức các buổi trưng bày trang nhã trong một không gian đầy phong cách, cùng các chương trình lưu trú quanh năm cho nghệ sĩ. Hãy đến Xưởng Tái Sinh để ngắm vật liệu tái chế biến thành các tác phẩm trừu tượng, hoặc thưởng thức một ly cocktail ngắm mặt trời lặn ở Chăm Chỉ Club, một quán bar ven sông được trang trí bằng những món đồ cổ cá tính.
Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam