Đừng ngạc nhiên nếu bạn chưa từng nghe đến Đông Giang. Ẩn mình trên những ngọn đồi phía Tây tỉnh Quảng Nam, Đông Giang giống như một viên kim cương thô được giữ kín, toả sáng với những thác nước, rừng cây, đồi chè. Dọc theo các con sông, những người Cơ Tu cần cù sống tập trung thành từng bản làng có liên kết cộng đồng chặt chẽ; họ săn bắt, hái lượm và giữ gìn bản sắc văn hoá riêng. Đây là một phần của Quảng Nam mà chưa nhiều du khách biết tới; nhưng một khi đã trải nghiệm, bạn sẽ nhớ về nó mãi thôi.
Dưới đây là những hoạt động nên làm ở Đông Giang.
Đi dạo trên những đồi chè
Dù bạn có thể thấy lấp ló đồi chè khi lái xe, nhưng trải nghiệm đi bộ giữa những luống chè ngút ngàn vẫn luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị bất ngờ. Những con đường đất quanh đồi phù hợp cho một chuyến đi bộ leo núi nhẹ nhàng, với độ dốc vừa phải và cảnh đẹp thay đổi qua từng khúc cua. Đừng quên mang theo máy ảnh và ghé thăm nông trường chè để thưởng thức một tách trà ngon của Đông Giang.
Gặp bác Y Kông, già làng của người Cơ Tu
Người Cơ Tu là một trong 54 dân tộc thiểu số của Việt Nam; khoảng 2,000 người cư trú ở huyện Đông Giang. Ở tuổi 97, Y Kông là người Cơ Tu lớn tuổi nhất ở Đông Giang. Sinh ra tại đây, bác vẫn nhớ những cuộc đi săn trong rừng xưa kia và những nghi lễ truyền thống kéo dài nhiều ngày. Nhà của Y Kông là một bảo tàng nhỏ về văn hóa Cơ Tu, nơi bạn có thể chiêm ngưỡng những bản khắc gỗ cầu kỳ, nghe nhạc Cơ Tu và tìm hiểu về lối sống của người Cơ Tu.
Thăm quan các bản làng
Đi qua cây cầu trên sông Kôn, bạn sẽ đến Bhơ Hôồng, một làng Cơ Tu nhỏ đầy quyến rũ. Tại đây bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhà Gươl với chiếc mái dốc và những bức tượng gỗ tuyệt đẹp, học nấu những món ngon của người Cơ Tu trong căn bếp mộc mạc, và trò chuyện với những người dân thân thiện đang trồng mít, sung, nghệ và các cây thuốc trong vườn của họ. Gần làng có suối nước nóng, trang trại và rừng nơi bạn có thể khám phá với sự giúp đỡ của hướng dẫn viên người Cơ Tu.
MÁCH BẠN: ACu Homestay là một dự án du lịch cộng đồng do chị Thìn, một hướng dẫn viên người Cơ Tu kinh nghiệm điều hành. Những chiếc giường đơn giản trong nhà Moong được trang bị đầy đủ tiện nghi để du khách có thể nghỉ ngơi trong làng. Hãy dành một đêm tại đây để tận hưởng lòng hiếu khách và những món ăn ngon của người Cơ Tu.
Trekking đến thác A-Reec
Đi bộ đến Thác A-Reec là một trải nghiệm thú vị cho những du khách ưa mạo hiểm. Cách đường chính 3.5 km, du khách đi theo con đường mòn qua nông trường Cơ Tu, những cánh rừng xào xạc và dòng suối trong vắt. Một ki-lô-mét cuối đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhưng bạn đã rất gần thác rồi! Thác A-Reec có ba tầng tạo thành những hồ nước mát lạnh, đón chào du khách xuống ngâm mình thư giãn. Hãy nhớ mang theo giày đi bộ đường dài, nước lọc và đồ ăn nhẹ để thưởng thức cạnh thác.
Trải nghiệm nghề thủ công và âm nhạc Cơ Tu
Người Cơ Tu có nhiều phong tục-tập quán truyền thống vẫn được lưu giữ trong làng. Đàn ông Cơ Tu là những thợ dệt khéo tay; sau mùa gieo trồng họ sẽ tập trung đan những chiếc gùi từ mây và tre kiếm được trong rừng. Phụ nữ Cơ Tu có truyền thống dệt thổ cẩm đặc sắc. Họ trồng bông, kéo sợi và dệt quần áo cho gia đình với những họa tiết rực rỡ của màu đỏ, cam và trắng.
Người Cơ Tu có nhiều loại nhạc cụ độc đáo như khèn (ống khèn), alướt (sáo) và abel (đàn tre hai dây). Một số nhạc cụ như cồng chiêng chỉ được chơi trong các lễ hội và nghi lễ, trong khi một số nhạc cụ khác được sử dụng cho các bài hát dân ca và song ca giao duyên. Vào những dịp đặc biệt, người Cơ Tu biểu diễn ‘Tung Tung Da Dá’. Đàn ông và phụ nữ trong trang phục truyền thống xếp thành vòng tròn quanh đống lửa, nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng.
Hướng dẫn tham quan cho khách du lịch
Làm thế nào để đến Đông Giang Quảng Nam
Các tỉnh phía Tây Quảng Nam (bao gồm Đông Giang) vẫn còn mới mẻ về du lịch. Để có trải nghiệm tốt nhất, hãy đi cùng các đơn vị lữ hành tin cậy từ Hội An. Họ sẽ sắp xếp phương tiện di chuyển và hành trình tốt nhất, đồng thời tư vấn cho bạn cách thể hiện sự tôn trọng tại các làng dân tộc. Bạn có thể chọn đi bằng ô tô hoặc ngồi sau xe máy để tăng phần mạo hiểm.
Thời gian thích hợp để tới Đông Giang
Trong mùa mưa và sau bão, đường rừng trở nên khó đi và nguy hiểm ngay cả với những người đi bộ đường dài có kinh nghiệm. Hãy tới Đông Giang vào mùa khô, từ tháng Ba đến tháng Chín, để có một chuyến du lịch an toàn và thú vị. Mùa xuân là thời điểm đặc biệt để ghé thăm Đông Giang: trong thời gian này, các dân tộc thiểu số ăn mừng với rượu Tà Vạt, các màn biểu diễn truyền thống và nhiều món ngon địa phương.
Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam