Có rất nhiều món ngon tuyệt vời ở Quảng Nam. Nhưng lần đầu tiên được thưởng thức một tô cao lầu chuẩn vị trong ánh nắng Hội An ấm áp, bạn sẽ không bao giờ quên. Những lá xà lách tươi xanh nhất trộn đều cùng rau thơm, từ từ mềm ra bên dưới những sợi cao lầu dai nóng hổi, những miếng tép cao lầu giòn tan, và nước lèo đậm đà. Chút nước cốt chanh và tương ớt càng làm dậy vị từng gắp cao lầu.
Về cơ bản, cao lầu là một món sợi làm từ gạo, ăn cùng thịt xá xíu, rau thơm, một hai muỗng nước lèo, và thêm chút cao lầu chiên giòn lên trên. Cao lầu đặc biệt ở chỗ: bạn chỉ có thể tìm thấy món này ở Hội An và các vùng lân cận. Dưới đây là câu chuyện đằng sau món ngon đặc sắc của Hội An này.

Nguồn gốc Cao Lầu Hội An

Nguồn gốc bí ẩn

Theo lời kể trong dân gian, cao lầu xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 17, khi Hội An còn là một thương cảng tấp nập nơi lái buôn từ khắp thế giới tụ họp. Vì cao lầu có cả thịt xá xíu ướp ngũ vị hương, nhiều người cho rằng món này do người Trung Hoa mang tới. Tuy nhiên, sợi cao lầu to dày như udon lại gợi ý rằng đây là món ăn của hơn 1,000 người Nhật Bản sinh sống tại Hội An thời bấy giờ.

Có vẻ như sự pha trộn giữa các nguyên liệu Trung Hoa và phong cách ẩm thực Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong sự ra đời của cao lầu.


Các nguyên liệu

Bí quyết của món cao lầu độc đáo này đến từ ba nguyên liệu chỉ có ở Hội An. Theo truyền thống, gạo phải được ngâm qua nước tro lấy từ củi gỗ ở Cù lao Chàm. Những hạt gạo này sau đó được rửa sạch và nghiền thành bột bằng nước giếng Bá Lễ, một trong hơn 80 giếng cổ được đào từ hơn một thiên niên kỷ trước thời Chăm-pa. Bột gạo sau khi nhào và cắt thành sợi, sẽ được đem hấp.

Tuy các nhà hàng ngày nay không còn theo sát công thức truyền thống này, sự kết hợp của tro và nguồn nước địa phương vẫn đem đến cho sợi cao lầu sắc vàng đùng đục. Sả là một nguyên liệu quan trọng trong nồi nước lèo, được múc và chan lên trên lớp giá trụng, cao lầu, và thịt xá xíu. Tô cao lầu hoàn thiện được rắc thêm ít tép cao lầu chiên giòn, rau thơm, xà lách, và chanh ớt gia vị.


Tên món

“Cao lầu” nghĩa là tầng lầu cao, có thể bởi vì món này từng được phục vụ cho các thực khách ngồi trên tầng lầu cao để dễ bề quan sát phố xá bên dưới. Khi Hội An ngày càng phát triển, các lái buôn bắt đầu xây nhà hai tầng lầu thay vì chỉ một tầng trệt như trước đây.

Ăn uống trên lầu cao từng là trải nghiệm của riêng những người giàu có, và hương vị pha trộn của cao lầu hẳn đã làm hài lòng nhiều lái buôn người Trung Hoa và Nhật Bản.


Ăn gì ở đâu

Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều biển hiệu quảng cáo cao lầu quanh phố cổ Hội An, nhưng dưới đây là vài tiệm cao lầu được người dân địa phương yêu thích:

Cao Lầu Bà Bé: (19 Trần Phú, trong chợ Hội An) Hãy kéo ghế ngồi xuống chiếc bàn duy nhất của tiệm cao lầu này, nằm trong khu ẩm thực của chợ, và gọi món duy nhất trong thực đơn.

Cao Lầu Liên: (21B Thái Phiên) Tiệm ăn Hội An này đã bán cao lầu gần 30 năm và chỉ chuẩn bị mỗi tô cao lầu ngay khi khách gọi.

Cao Lầu Bá Lễ: (49/3 Trần Hưng Đạo) Sau khi thưởng thức một tô cao lầu ở tiệm ăn trong con hẻm nhỏ này, hãy dạo vài bước tới thăm giếng cổ Bá Lễ gần đó.

Xem thêm: 5 món ăn đáng thử nhất ở Quảng Nam


Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam